QUINCE, GỌI LÀ ĐÀO… NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ ĐÀO… – DS.Trần Việt Hưng –

    Japanese Flowering quince   

          Trong dịp Tết Ất Dậu vừa qua, BS Liêu Vĩnh Bình, từ Úc châu đã gửi cho tôi một bức ảnh chụp cây Quince dưới dạng bonsai tuyệt đẹp để thay cho cành Ðào Việt Nam. Hoa Quince rất giống với Ðào và được người Việt tại Tây Bắc Hoa Kỳ trồng để cắt cành, cắm bình trong những ngày Tết thay cho Ðào và còn có phần..đẹp hơn cả Ðào.

    Cây Quince dưới dạng bonsai

           Khi được hỏi về Quince, nhiều nhà vườn đã nghĩ ngay đến cây Japanese Flowering quince (Chaenomeles spp) và liên tưởng đến những chùm hoa màu trắng, hồng tuyệt đẹp, rất giống hoa đào, mọc chi chít trên những cành cây trơ lá vào đầu mùa xuân.. Trong khi đó các nhà trồng cây ăn trái lại nghĩ khác hơn, với họ Quince ‘thực thụ’ phải là cây Cydonia oblongata, một loại tiểu mộc có cành cong queo, hoa nở nơi ngọn chồi đầy lá, cây trồng để lấy quả nấu ăn hay làm mứt, có mùi khá thơm.. Và trên thực tế lại còn một loại Quince khác nữa, được trồng để lấy cả hoa lẫn trái là Chinese Quince hay Iron Foot Pear..

   Cây và hoa Cydonia oblongata  

    Quả Cydonia oblongata

      Các cây Quince đều thuộc gia đình thực vật Rosaceae.

        Ðể dễ phân biệt có thể chia Quince thành 2 nhóm chính :

–  Loại trồng để cho hoa: Flowering quince hay Japonica quince.

–  Loại trồng lấy quả: Fruiting quince hay Cydonia quince

Japonica quince = Flowering quince.

Japonica quince = Flowering quince

Chaenomeles rất dễ trồng, chịu được cả nhiệt lẫn lạnh giá.

     Một số loài nổi tiếng như:

– Chaenomeles japonica, có khi được gọi ngắn là Japonica, nguồn gốc từ Nhật, được đưa sang Âu châu từ 1800 và sau đó được cho lai tạo thành nhiều giống để trồng làm hoa cảnh thay vì lấy quả. Japonica mọc thành bụi 10 x10ft, cành có gai, hoa đỏ, trắng hay hồng. Quả nhỏ, tròn 1-2 in màu xanh lục có điểm đỏ hay vàng..Quả không ăn sống được, khi nấu chín có mùi thơm..

Hoa và quả Chaenomeles japonica 

  – Chaenomeles speciosa: Mọc thành bụi rậm, quả lớn chừng 7cm.

Bụi rậm và quả lớn Chaenomeles speciosa

   Các chủng đẹp như: Texas Scarlet, bụi thấp, hoa đỏ thắm như màu cà chua; Thornless Cameo, hoa kép màu hồng lợt rất giống hoa đào, quả nhỏ màu vàng.. Toyo Nishiki , bụi lớn cỡ 2m, hoa trắng và hồng mọc chung trên cùng cành; quả to bằng quả táo.. Rubra grandiflolia, bụi chừng 1m, hoa đỏ rực, quả nhỏ, rất chua.

   Texas Scarlet  

  

   Thornless Cameo

    Toyo Nishiki                                                                    

   Rubra grandiflora

 Hoa Chaenomeles cathayensis

Quả màu xanh Chaenomeles cathayensis

         – Chaenomeles cathayensis: quả màu xanh, khá lớn..

Ðặc tính dược học của Chaenomeles:

         Y-dược Âu-Mỹ không chú ý đến Chaenomeles, các nghiên cứu khoa học về hoạt tính của nhóm Chaenomeles đều được thực hiện tại Nhật và Trung Hoa. Y học cổ truyền Trung Hoa dùng quả của các cây Chaenomeles sinensis , Chaenomeles speciosa và Chaenomeles lagenaria để làm dược liệu.

       – Chaenomeles sinensis:

Hoa và quả Chaenomeles sinensis

         Tại Trung Hoa, quả Chaenomeles được gọi là Mộc qua (nên chú ý, mộc qua bán tại các chợ Tàu ..là quả đu đủ khác hẳn Chinese quince). Quả còn có những tên khác như Thiết cước lệ (Tie-jiao-li), mộc đào (Mu-tao) .

           Dược học cổ truyền dùng quả làm thuốc, được ghi chép trong ‘Danh Y Biệt lục’, xếp vào hạng dược liệu trung đẳng. (Tại Ðài loan, loài Chaenomeles lagenaria cũng được sử dụng để thay thế cho Chaenomeles sinensis).

Hoa và quả Chaenomeles lagenaria

           Nhật dược gọi vị thuốc là mokka; Triều tiên là Mokkwa.

           Chaenomeles sinensis mọc thành bụi, cao 2-3m; lá hình trứng thuôn. Quả hình trụ, dài 60-150 mm, đường kính 35-45 mm ; vỏ ngoài màu đỏ tím hay nâu-đỏ, mịn láng ngay cả sau khi phơi khô, không bị nhăn nheo. Phần thịt dầy và thô, ít thơm, vị rất chua-chát. Quả được thu hái vào cuối Hè, đầu Thu và phơi khô.

           Loại quả thu hái tại An-huy được xem là tốt nhất, ngoài ra cây còn được trồng tại Hồ bắc, Tứ xuyên và Triết giang..

           Mộc qua được xem là có vị chua, tính ấm, tác động vào các kinh mạch thuộc Can và Tỳ với các đặc tính làm hạ ‘Hỏa tại Can’, thư giãn bắp thịt và đả thông Kinh-mạch, điều hoà Tỳ cùng trừ ‘Thấp’. Vị thuốc được dùng trong các trường hợp Phù thũng do beriberi; đau nhức cánh tay, bắp chân; nhức khớp xương do phong thấp; ho kinh niên..

          Do tác dụng giúp làm thư giãn gân cốt, thông được kinh mạch, giúp trừ ‘thấp’ ứ đọng nơi khớp xương chân, tay và ngang lưng: mộc qua được xem là vị thuốc tốt nhất để bồi bổ gân-cốt và thường được dùng phối hợp với Hổ cốt (os tigris) và rễ Ðộc hoạt (radix Angelicae Pubescentis) để trị đau nhức xương cốt chân tay. Mộc qua được phối hợp với Hoắc hương (Herba Agastaches seu Pogostemi=huo-xing) va Sa nhân (Fructus Amomi) để trị bắp thịt chân co-giật gây ra do ‘Hạ-Nhiệt’.

        Các nghiên cứu mới ghi nhận quả chứa nhiều Vitamin C, các acid hữu cơ như malic, citric, tartaric; các flavones; tannins, nhiều glucosides, sapo nines. Hạt chứa hydrocyanic acid..

     * Vài phương thức sử dụng trong dân gian:

        – Trị sưng ruột kinh niên hay cấp tính; ói mửa kèm tiêu chẩy; cảm giác đau, tê bắp thịt tay, bắp chân: dùng 15-30g quả khô, 15g giấm ăn và 15g đường vàng. Thêm nước, chưng, dùng mỗi ngày 3 lần.

        – Trị ói mửa khi có thai, say sóng-say xe; sưng tức ngực; chảy nước bọt quá nhiều: nhai kẹo mộc qua (chế tạo bằng cách cắt mỏng quả tươi, ướp đường cho đến khi khô hẳn. Tại Trung Hoa loại kẹo này là đặc sản của Quế châu).

       – Mệt mỏi, Ðau nhức khớp xương và bắp thịt: Dùng 30g rượu mộc qua hay 15g quả ngâm trong 30g rượu trắng. Uống trước khi đi ngủ (Rượu mộc qua: Lấy 250g quả, 120g vỏ Ngũ gia bì = Acanthopanax, ngâm ít nhất 10 ngày trong 1 lit rượu vodka hay sake).

        Những nghiên cứu mới tại Trung Hoa ghi nhận một số dược tính như sát trùng, bổ máu của Mộc qua là do ở malic acid trong quả. Ngoài ra mộc qua còn có tác dụng chống co-giật (antispasmodic), lợi tiểu (Hong-Yen Hsu trong Oriental Materia Medica).

       – Nghiên cứu tại Viện Dược lý học, ÐH Y Khoa An huy (Trung Hoa) ghi nhận glucosides trong Chaenomeles speciosa có hoạt tính chống sưng-viêm đáng kể nơi chuột bị gây sưng xương khớp, do ngăn ngừa được các biến đổi về cấu trúc căn bản tế bào trong hoạt dịch (synoviocytes) và ức chế sự bài tiết các cytokines gây ra sưng-viêm (Acta Pharmacologica Sinica Số 24, tháng 11-2003).

     Cydonia quince = Fruiting quince.

     Tên khoa học: Cydonia oblongata, Cydonia cydonia.

     Tên Cydonia là do ở người Hy lạp đã du nhập quince từ Cydonia (trên đảo Crete), và tên Anh ngữ Quince chỉ là biến âm từ Cydonia..

        Quince mọc hoang từ thời xa xưa tại Kashmir rất lâu trước khi có sách sử. Tại vùng khí hậu ấm áp của đất Ba tư, quả quince có vị ngọt và mọng nước, do đó cây được trồng rất nhiều và được phát triển quanh vùng Ðịa trung Hải, trước cả táo.

       Người Hy lạp đã gặp cây quince ở Cydonia trên đảo Crete, họ đưa cây về Athens, gọi quả là Malus cydonia hay ‘quả táo của Cydonia’.

       Người La mã rất quý trọng cây và quả quince được ngâm trong mật (gọi là melimelum hay táo ngâm mật) và dùng quince làm rượu.

   Homemade Quince Liqueur

       Quince xuất hiện tại Palestine từ khoảng 10 thế kỷ trước Tây lịch và đó chính là quả được chép trong Song of Solomon.

       Truyền thuyết Hy Lạp và La mã dành quince để dâng cho Thần Venus (tượng Venus thường được tạc, tay phải cầm một quả quince do Thần Paris tặng).

Tượng Venus tay phải cầm một quả quince

        Vì là trái cây ‘thiêng’ của Nữ thần Tình ái, nên quince được dùng làm biểu tượng cho tình yêu, hạnh phúc, và đông con.

        Tại Athens, quince được ném đầy vào chiếc xe cưới (xe ngựa hay xe kéo) do chàng rể điều khiển đưa cô dâu về ngôi nhà mới trong ngày vu-quy.. Quince cũng được cho là trái cấm trong Vườn Ðịa đàng (không phải là..trái táo). Vào thời La mã, theo Plutarque, thì quince được hái khi quả còn xanh, ngâm trong mật ong, ủ đến chín và dùng làm món tráng miệng trong những tiệc cưới.

        Thời Trung cổ, tại Âu châu vẫn có tục lệ đôi tân hôn cùng nhau chia sẻ một quả quince trong ngày hôn lễ..

        Quince tiếp tục được ưa thích tại những vùng cây phát sinh, như Caucasus, và Thổ nhĩ Kỳ. Tại Ba tư, quince có mặt trong nhiều món ăn cần đến vị chua, và dùng để nhồi thịt. Tại Anh, nước sốt chế từ quince được dùng để chấm thịt chim đa-đa, thêm vào apple pie để tạo màu hồng và vị chua.. Tuy Hoa Kỳ không có quince địa phương nhưng các giống quince đã theo di dân từ Âu châu vào Mỹ, và hiện nay vùng Châu Mỹ La tinh vẫn chuộng quince nhất là Uruguay.

       Cydonia quince ( Cydonia vulgaris/ Cydonia oblongata) hay Quince cho quả là một nhóm cây thuộc loại tiểu mộc hay mọc thành bụi, cũng được chia thành hai loại chính: một loại mọc thấp, cành thưa thích hợp để dùng làm cây cảnh, hoang dã và một loại mọc thẳng, cứng cáp hơn, cho quả tương đối lớn có thể trồng thành từng vườn.

        Lá rất giống với lá táo hơn là lá lê, đổi sang màu vàng rất đẹp vào mùa Thu.

     Lá Cydonia oblongata

        Hoa màu trắng hay hồng nhạt rất đẹp cũng giống với hoa táo, tuy nhiên chỉ mọc đơn độc nơi những cành chồi, lớn từ 1.5-2cm. Một vài giống có nụ hoa lúc chưa nở xem như một chùy kem có sọc màu dâu chín.

     Hoa Cydonia oblongata

        Quả quince, tương đối cứng, hình dạng và màu sắc giống như quả lê Mỹ có lông mịn khi còn non. Quả tươi không ăn được, nhưng rất ngon và thơm sau khi đã nấu chín ( Cây quince thường được dùng làm thân chính để ghép lê và táo..).

     Quả Quince Cydonia Oblonga

     * Vài chủng đáng chú ý:

       – Champion: Quả vàng tươi, ngọt. Hoa màu trắng. Mọc cao 4-7m.

   Quince Champion

       – Dwarf Orange: Quả to, thịt màu cam nhạt, vị rất ngon. Mọc thành bụi 3-5m.

  Dwarf Orange quince

       – Orange: Quả rất to, thường nặng trên 450g, màu vàng tươi, vị ngon. Cây thích ứng được cả vùng giá lạnh.

   Orange quince

       – Pineapple: Quả lớn, tròn màu vàng. Vị chua. Hoa màu trắng có đốm hồng. Chịu lạnh.

Pineapple quince

       – Smyrna: Quả to màu vàng, vị khá ngon.

Smyrna quince

     * Thành phần dinh dưỡng:

         100 gram phần ăn được (quả tươi) chứa :
               – Calories                                 50
               – Chất đạm                               0.4 g
               – Chất béo                               0.1 g
               – Chất sơ                                 1.7 g
               – Calcium                                 11 mg
               – Sắt                                         0.7 mg
             – Magnesium                           8 mg
               – Phosphorus                           17 mg
               – Potassium                             197 mg
               – Sodium                                   4 mg
               – Ðồng                                      0.130 mg
               – Beta-Carotene (A)                 40 IU
               – Thiamine                               0.020 mg
               – Riboflavin                             0.030 mg
               – Niacin                                   0.200 mg
               – Pantothenic acid                    0.081 mg
               – Pyridoxine                            0.040 mg
               – Vitamin C                              15 mg

* Thành phần hóa học khác:

   Theo James Duke (Chinese Medicinal Plants):

         – Nước ép từ quả Cydonia chứa 1.1% malic acid, một ít tartaric acid..

         – Hạt chứa 22% chất nhày, 14-15% dầu béo, amygdalin và tannins.

    Hạt mộc qua

         – Dầu ép từ hạt chứa 8.6% acid béo bão hòa, 42.5% oleic acid, 39.2% linoleic acid, 3.9% linoleic acid, 1.44% dầu dễ bốc hơi.

         – Chất nhày khi thủy phân cho 33% cặn cellulosic, 2% l-arabinose và một hỗn hợp aldobionic acids trong đó 72% là mono-ethyl ether và 28% là hexuronic acid ..

         – Nụ hoa khi chưa nở có một loại glycoside cyanogenic..

          Về phương diện dinh dưỡng, quince có vị chua và hơi chát, có thể tốt cho bao tử để giúp giảm đầy hơi, ói mửa. Khi dùng quả chín, không thêm đường, quince tốt cho gan, giúp trị táo bón và ‘kiềm hóa’ cơ thể. Nước ép dùng xúc miệng rất tốt.

         Khi dùng làm thực phẩm, quả quince được xem là có mùi thơm nhẹ phối hợp của dứa, ổi và lê hay táo tùy theo loài. Quả xanh cần nấu chín, để thịt trở thành mềm và thơm ngọt. Quả thường dùng làm mứt, do đó tên gọi marmalade là do từ tiếng Bồ đào Nha marmelo (tên gọi quice tại Bồ).

       Mứt làm từ quince rất thông dụng tại Âu châu nên có nhiều tên như cotignac (Pháp), cotognata (Ý), kidonopasto (Hy lạp). (Tại Pháp có loại Cotignac d’Orleans, rất nổi tiếng.. mứt đổ khuôn theo hình tượng Thánh Joan of Arc đã từng là biểu tượng cho Thành phố Orleans).

    Cotignac d’Orleans

     Cotognata (Ý)

Kidonopasto (Hy lạp)

 

* Nghiên cứu khoa học về Quince:

          Ða số các nghiên cứu khoa học về Quince, công bố trên PubMed, chú trọng đến vấn đề kỹ thuật nuôi trồng, tuy nhiên một số nghiên cứu tại Bồ đào Nha đã tìm cách phân chất các thành phần hóa học của quả quince để giúp phân loại các giống và xác định các pha trộn thêm các quả khác vào thành phẩm chế biến từ quince.

         Nghiên cứu tại Bộ môn Dược liệu, ÐH Dược Khoa, Viện ÐH Porto (Bồ đào Nha) ghi nhận quả quince chứa nhiều hợp chất loại caffeoylquinic acids ( 3,4-O- và 5-O-caffeoylquinic acids và 3,5-O-dicaffeoylquinic acid); nhiều flavonoids ( quercetin 3-galactoside, rutin, kaempferol glyco side, kaempferol glucoside, kaempferol 3-rutinoside..).

         Các hợp chất loại phenolic trong quả được phân phối không đều : phần vỏ và phần thịt chứa những hàm lượng rất khác biệt (Journal of Agriculture and Food Chemistry Số 12 (January) -2005).

      * Cydonia oblonga trong Dược học cổ truyền:

       – Dược học cổ truyền Trung Hoa dùng quả Cydonia oblonga hay Ốt bột (Wènpo) làm thuốc trị các bệnh bao tử, đường tiêu hóa, trong khi đó vỏ thân được dùng làm thuốc trị loét bao tử, làm thuốc bổ, kiện vị.

Dược học cổ truyền Ấn độ gọi quince là bihi, (tiếng Phạn là Amrit phala).

         Vỏ, lá và nụ hoa làm chất chát, co mạch.

         Quả làm thuốc bổ tim, long đờm. Chất nhày làm thuốc đắp bên ngoài trị ung loét.

         Hạt trị đau cổ họng, tiêu chảy, kiết lỵ.

                     DS.Trần Việt Hưng 02/2015

Tài liệu sử dụng:
         – Medicinal Plants of China (J. Duke & Ed Ayensu)

         – Medicinal Plants of India (S.K Jain & Robert DeFilipps)

         – Chinese Herbal Medicine Materia Medica (Benske & Gamble)

         – Whole Foods Companion (Dianne Onstad)

         – The Oxford Companion to Food (Alain Davidson)

         – Taylor’s Guide to Fruits and Berries

         – Fruits as Medicine (Dai Ying-fang)

One thought on “QUINCE, GỌI LÀ ĐÀO… NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ ĐÀO… – DS.Trần Việt Hưng –

Leave a comment